Đi đôi với sự toàn cầu hóa của các công ty xuyên quốc gia thì nhu cầu về nhân lực trong ngành biên dịch ngày càng tăng cao. Không đâu xa, trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã đạt con số hơn 2 ngàn và tiếng Nhật đã trở thành ngôn ngữ phổ biến đứng thứ 2 ở Việt Nam. Với bối cảnh đầu tư mạnh mẽ của Nhật Bản vào Việt Nam cùng sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, nhu cầu đối với nguồn nhân lực biết tiếng Nhật là rất lớn.
Và cơ hội việc làm trong nghề biên dịch tiếng Nhật là một sức hút không thể phủ nhận đối với các bạn trẻ hiện nay. Thế nhưng có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu, để trở thành một biên dịch viên ở các công ty Nhật thật sự không phải là điều dễ dàng, nó đòi hỏi sự quyết tâm và cố gắng rất lớn.
Sau đây là những yếu tố và kỹ năng cơ bản cần có để có thể đặt chân lên con đường trở thành biên dịch viên tiếng Nhật chuyên nghiệp.
1/ Tiếng Nhật N2
Tùy vào mỗi vị trí và trình độ mà mức lương sẽ có sự khác biệt, với vị trí biên dịch (đặc biệt là ở các khu công nghiệp) có mức lương tối thiểu là 600 đến 1000 USD. Tuy sở hữu mức lương khá ổn, thế nhưng khá nhiều người khi làm việc vẫn còn rơi vào tình trạng bấp bênh do không có đủ từ ngữ chuyên môn cụ thể.
Ngoài ra, có nhiều sinh viên tiếng Nhật khi ra trường chỉ có mức độ tiếng Nhật tầm trung (tối thiểu N3)mvà chưa có đủ khả năng và kiến thức để đảm nhiệm trôi chảy công việc của một biên dịch tiêu chuẩn.
2/ Yêu cầu về tố chất
Để có thể trụ vững với nghề, các biên dịch viên phải có khả năng chịu sức ép từ nhiều mặt: yêu cầu chuyển ngữ chính xác, giới hạn về mặt thời gian, cách ứng xử khéo léo từ thái độ giữa hai bên… Ngoài ra, biên dịch viên còn phải am hiểu về văn hóa, xã hội, không ngừng quan sát tình hình kinh tế, thời sự của 2 nước… Không những thế, tiếng Việt của họ cũng phải đủ giỏi để có thể truyền đạt một cách chính xác, linh hoạt nhất.
3/ Kỹ năng viết
Như đã nói ở mục yêu cầu tố chất, biên dịch là một công việc đòi hỏi bạn trình bày, diễn giải ngôn ngữ một cách trôi chảy, thu hút… nhưng vẫn phải giữ được ý nghĩa mà câu văn muốn truyền đạt. Chính vì vậy, kỹ năng viết – hay kĩ năng thành văn luôn là yếu tố quan trọng để đánh giá khả năng của một biên dịch viên.
4/ Tra cứu thông tin, kiến thức
Khi mới bắt tay vào công việc biên dịch, những từ vựng chuyên ngành hay cấu trúc ngữ pháp khó sẽ không ít lần gây khó khăn cho biên dịch viên. Tuy nhiên, trong thời đại thông tin phát triển của Internet, xung quanh chúng ta có rất nhiều nguồn thông tin tra cứu đa dạng. Điều quan trọng là chúng ta phải biết sàng lọc và lưu trữ các thông tin đó để thuận tiện sử dụng khi cần.
Ngoài kiến thức về ngôn ngữ, việc không ngừng trau dồi thông tin, kiến thức chuyên môn phù hợp cũng là điều cần thiết với một biên dịch viên.
Nguồn tham khảo :
https://hrchannels.com/uptalent/bien-phien-dich-tieng-nhat-can-co-nhung-ky-nang-nao.html
https://dichtiengnhat.net/tieng-nhat-co-hoi-hien-tai-thach-thuc-tuong-lai.html/